NGÔN NGỮ CHỈ CÒN MỘT NGƯỜI NÓI

Trong thế kỷ qua, chỉ riêng ở Peru, ít nhất 37 ngôn ngữ đã biến mất trong sự đảo điên của các cuộc mở rộng lãnh thổ, di cư, đô thị hóa và khai thác tài nguyên thiên nhiên"
Ta va’a ui. (Em đi đây)". Khi người em trai tội nghiệp Juan García García nói lời từ biệt tới ông Amadeo trước khi trút hơi thở cuối cùng giữa rừng rậm Amazon vào buổi trưa oi ả năm 1999, chẳng một ai khác trên trái đất này ngoài hai anh em có thể hiểu được lời cuối nói bằng thứ ngôn ngữ Taushiro sắp tuyệt chủng đó.
Gánh nặng
Căn bệnh sốt rét quái ác không chỉ cướp thêm một người thân của ông Amadeo mà còn lấy đi người cuối cùng có thể trò chuyện với ông bằng tiếng mẹ đẻ. "Chúng tôi vậy là hết rồi" - ông Amadeo trải lòng bằng tiếng Tây Ban Nha bập bẹ, giờ đây là cách duy nhất để người cuối cùng còn biết tiếng Taushiro giao tiếp với thế giới. Chẳng còn ai nói tiếng Taushiro nữa. Sự tồn vong của cả một nền văn hóa bỗng nhiên đổ xuống đầu một người đàn ông đơn độc.
"Amadeo ở đó: Hầu như không ai hiểu khi ông nói ngôn ngữ của mình" - William Manihuari, một cư dân ở thị trấn Intuto - Peru chia sẻ với báo The New York Times khi đang dõi theo dáng ông Amadeo lủi thủi đánh cá trên chiếc xuồng nhỏ. "Rồi khi ông ấy mất đi, sẽ không còn ai nữa" - cậu bé 12 tuổi José Sandi nói thêm vào.
Thứ ngôn ngữ vốn là một điều bí ẩn đối với giới chuyên gia cũng như các nhà nhân loại học này thuộc về một bộ lạc từng phải lẩn vào rừng sâu của lòng chảo Amazon ở Peru nhiều thế hệ trước vì những kẻ xâm lấn. Những kẻ kéo đến với cơn khát cao su, dầu mỏ này không những khiến bộ lạc Taushiro phải từ bỏ chính mảnh đất lâu năm của mình mà nhiều loại vũ khí chết chóc và các bệnh dịch họ mang tới còn đẩy những thành viên của bộ lạc nhỏ bé đến bờ vực tuyệt chủng. Cha mẹ và anh chị em của ông Amadeo đều nằm trong số những nạn nhân như vậy.

Dọc theo dòng sông Amazon, đoạn chảy qua Peru, từng là một vựa ngôn ngữ phong phú. Nơi đây, mỗi khúc cua của con sông có thể sản sinh thêm một phương ngữ mà chỉ cần sống cách đó vài dặm người ta đã không hiểu được. Thế nhưng, trong thế kỷ qua, chỉ riêng ở Peru, ít nhất 37 ngôn ngữ đã biến mất trong sự đảo điên của các cuộc mở rộng lãnh thổ, di cư, đô thị hóa và khai thác tài nguyên thiên nhiên. Theo ước tính của giới học giả, hiện vẫn còn 47 ngôn ngữ tại quốc gia Nam Mỹ này nhưng gần phân nửa đang có nguy cơ biến mất.
Ông Amadeo đánh cá trên con thuyền gỗ ở thị trấn Intuto Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Tị nạn trên chính đất nước mình
Người Taushiro nằm trong số những bộ tộc săn bắt - hái lượm cuối cùng của thế giới đang sống tị nạn trên chính đất nước của mình, lang thang quanh các đầm lầy của lòng chảo Amazon và đánh cá trên con thuyền nhỏ gọi là tenete. Vũ khí của họ vẫn thô sơ như thuở ban đầu với súng thổi phi tiêu được gọi là pucuna. Số đếm trong tiếng Taushiro chỉ có một, hai, ba và nhiều. Và vào thời điểm ông Amadeo chào đời, khoảng 70 năm trước, dân số của bộ lạc đã teo tóp tới mức họ không có tên theo đúng nghĩa truyền thống.
Cha của Amadeo đơn giản chỉ là iya, mẹ là iño, chị gái và em trai lần lượt là ukuka và ukuñuka. Cái tên Amadeo cũng là do một người chủ đồn điền sau này đặt cho ông. Thực ra, người đàn ông Taushiro cuối cùng này có 5 người con nhưng ông đã gửi chúng tới trại trẻ mồ côi sau khi vợ bỏ đi vào những năm 1980 vì cho rằng lựa chọn đó sẽ an toàn hơn cho lũ trẻ. Không có ai trong số đó còn nhớ tới tiếng Taushiro.
Hiện ông Amadeo sống một mình trong ngôi nhà sơ sài phía sau thác nước của thị trấn Intuto, giết thời gian bằng rượu. "Tôi có thể biến mất bất cứ lúc nào. Cuộc đời tôi sẽ kết thúc. Đôi khi tôi cũng chẳng quan tâm nữa" - ông Amadeo buông xuôi.
Khó có thể tưởng tượng sự tàn lụi của cả một bộ lạc lại khởi nguồn từ cao su. Người Taushiro và các bộ tộc bản địa khác ở vùng Amazon đã thu hoạch chất nhựa trắng rỉ ra từ loại cây này và phủ lên áo quần để tránh thấm nước. Đến thế kỷ XIX, người châu Âu phát hiện bí mật đó và cơn khát cao su bùng nổ! Các doanh nghiệp châu Âu và Mỹ đổ vào những cánh rừng già, đẩy người bản địa thành những nô lệ trong các đồn điền cao su. Kỷ nguyên cao su chết chóc bắt đầu ở Amazon.
Theo các nhà nghiên cứu, ở nhiều khu vực, tới 90% dân số bản địa mất mạng vì bệnh tật và lao lực. Hàng ngàn người tìm đường tới những thành phố mới. Nhưng người Taushiro, cùng một số bộ lạc khác, chọn một lối đi khác: Họ quyết định biến mất. Nhưng rừng sâu cũng khó lòng che chở những số phận bất hạnh này. Họng súng của những ông chủ trồng cao su cần nô lệ không ngừng săn đuổi họ!
Rồi một ngày mặt đất bắt đầu rung chuyển và thế giới tiến thêm một bước nữa về phía ông Amadeo. Đó không phải động đất mà là thiết bị thăm dò địa chất của Công ty Dầu mỏ Occidental (Mỹ) tới Peru để tìm vàng đen. Cao su đã hết thời ở Amazon. Nay, thế giới văn minh chạy theo dầu mỏ! Những kẻ mới đến nghe xôn xao về một bộ lạc bản địa đang ẩn nấp trong một nhánh nào đó của dòng Tigre
Occidental nhanh chóng phái máy bay tới tìm bộ lạc đó. Đấy là năm 1971 và là lần đầu tiên ông Amadeo nhìn thấy ai đó bay trên bầu trời. "Họ ở gần đến nỗi có thể thấy khuôn mặt họ đang nhìn ta" - ông kể.

 Nguồn: Vnexpress.net

VẤN ĐỀ ĐƯA VĂN HÓA DÂN TỘC THIỂU SỐ LÊN TRUYỀN HÌNH

Tình cờ nghe được một quan điểm của người mình: " Các chương trình TV giờ lâu lâu mang chút màu sắc "dân tộc" vào bảo là "duy trì, phát huy, bảo tồn" này nọ, sao thấy nó giống bát canh thập cẩm vô màu vị quá, họ cóp họ nhặt họ mang cái đâu đâu vào ấy, liệu ai trong họ hiểu được văn hóa của từng dân tộc, từng tộc người nó khác nhau như thế nào hay với họ người "dân tộc" là một giống nhau cả thôi cứ màu mè, thêm chút giả ngây ngô, giả lơ lớ là phải... Tôi thấy đau lòng, tôi thấy bị xúc phạm chứ chẳng thấy "tự hào" gì như cái họ cố nhồi nhét cả"
Các bạn nghĩ thế nào? Mình thì mình không nghĩ là việc đưa văn hóa dân tộc lên TV hiện nay là quá xấu hay lệch lạc, chỉ là chúng ta chưa tìm được cách thức truyền tài phù hợp hơn thôi. Cần có thêm nhiều những người có tâm, có tầm để đưa văn hóa Tày - Nùng lầu nói riêng, văn hóa các dân tộc thiểu số nói chung đến gần hơn với những người "đa số" và cả cộng đồng quốc tế.

TỶ LỆ HỌC SINH NGƯỜI TÀY - NÙNG BIẾT TIẾNG MẸ ĐẺ ĐANG GIẢM NGHIÊM TRỌNG

Tiếng Tày - Nùng đã từng là một ngôn ngữ thống trị Khu vực Đông Bắc Việt Nam, Nam tỉnh Quảng Tây, Vân Nam - Trung Quốc trong suốt nghìn năm qua. Nó không chỉ thống trị mà còn ảnh hưởng đến cả sự hình thành tiếng Việt, Tiếng Hán phương Nam. Trong suốt nghìn năm các đoàn người Kinh, người Hán bị lưu đày, chạy nạn hay đi khai hoang liên tục tiến vào khu vực cư trú của các cộng đồng người Tày - Nùng - Choang, tuy nhiên họ đều bị đồng hóa, hòa hóa vào các dân tộc này, cho đến đầu thế kỷ 20, người Pháp, người Hoa, người Việt các tài liệu đều phải ghi nhận sự thống trị của văn hóa Tày - Nùng, tiếng Tày - Nùng tại các khu vực nêu trên.
Mọi thứ đã thay đổi 180° vào thời hiện đại, với hệ thống giáo dục phổ thông, nhu cầu kinh tế, nhu cầu việc làm, và sự xâm lấm của các phương tiện truyền thông, chưa bao giờ tiếng Tày - Nùng lại bị sói mòn, bị biến mất ở một tốc độ nhanh như vậy, điều tương tự cũng xảy ra với tiếng Choang bất chấp Trung quốc vẫn duy trì khu tự trị cho cộng đồng này.
Cộng đồng Tày có lẽ là cộng đồng biến đổi nhanh nhất, từ cuối thế kỷ 20 cứ 5 gia đình thì có 1 gia đình Tày không sử dụng tiến Tày mà sử dụng tiếng phổ thông ở trong cuộc sống hằng ngày, 3 gia đình thường xuyên sử dụng song ngữ. Điều này khá dễ hiểu bởi người Tày có xu hướng quan hệ, giao lưu với người Kinh từ sớm và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ hơn các dân tộc khác.
Tuy nhiên không chỉ người Tày, người Nùng, rồi người Dao... cũng đều có những biến chuyển tương tự. Nếu như từ thập niên 70 - 80 trở về trước phần lớn trẻ em biết tiếng mẹ đẻ trước sau đó đi học mới dần học và biết tiếng phổ thông, thì hiện tại hầu hết trẻ em đều được học nói tiếng phổ thông trước, sau đó lớn lên trong quá trình sống chúng tự học thêm tiếng Tày - Nùng, điều đó dẫn đến nếu những học sinh nào ít giao lưu, hoặc quá tập trung việc học thì hoàn toàn có thể bị "mù" tiếng mẹ đẻ dù sống trong bản làng từ nhỏ đến lớn.
Ngay cả với các em có biết tiếng mẹ đẻ thì do không phải ngôn ngữ đầu tiên các em biết nói, lại không có nhu cầu giao tiếp sâu nên các em chỉ biết nói các từ đơn giản, khi muốn biểu đạt các nội dung phức tạp thường sẽ sử dụng tiếng Kinh. Điều này làm cho từ vựng của tiếng Tày - Nùng ngày càng teo lại, thậm chị khiến nhiều người, kể cả người nổi tiếng tuyên bố rằng "tiếng Tày giống tiếng Kinh 70% rồi nên nói cũng vậy".
Một tài liệu nghiên cứu cho thấy, khi tiến hành khảo sát ở 300 người ở xã Hải Yến, Cao Lộc, Lạng Sơn ( bao gồm: 189 người Nùng (63%), 92 người Tày (30,97%), 18 người Kinh (6%) và 1 người Dao (0,03%)). Trong số này có 181/189 người Nùng (95,76%), 88/92 người Tày (95,65%) sử dụng được tiếng phổ thông. Điều đáng nói là số người không nói được tiếng phổ thông ở cả hai dân tộc là ở vùng nông thôn (xã Hải Yến) và chủ yếu là nông dân.
Còn khi đánh giá khả năng sử dụng tiếng mẹ đẻ của họ thì chỉ có 165/189 người Nùng (87,30%), 78/92 người Tày (84,78%) nói được tiếng mẹ đẻ. Số người không sử dụng được tiếng mẹ đẻ lại thuộc vào lứa tuổi học sinh. Cụ thể ở người Nùng có 75/111 học sinh (67,56%), ở người Tày có 31/57 học sinh (54,38%) sử dụng được tiếng mẹ để. Đồng thời, số không sử dụng tiếng mẹ đẻ này hoàn toàn tập trung ở địa bàn thị trấn huyện...

Đây là một xã miền núi điển hình với phần đa là người Tày - Nùng, và khảo sát trên cũng đã được tiến hành nhiều năm về trước, cho đến hôm nay tôi tin tỷ lệ học sinh biết tiếng Tày - Nùng sẽ còn giảm sâu hơn nữa.
Vậy điều gì đang thật sự xảy ra, phải chăng chúng ta đang mất gốc ngay tại chính quê hương mình?




BÀI ĐĂNG NỔI BẬT

NGÔN NGỮ CHỈ CÒN MỘT NGƯỜI NÓI

Trong thế kỷ qua, chỉ riêng ở Peru, ít nhất 37 ngôn ngữ đã biến mất trong sự đảo điên của các cuộc mở rộng lãnh thổ, di cư, đô thị hóa và ...

XEM THÊM